Hiệu trưởng phải đứng lớp
Mặc dù năm học 2020 - 2021 sắp kết thúc nhưng tình trạng thiếu giáo viên (GV) vẫn đang xảy ra ở nhiều địa phương. Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 8-1-2021, lãnh đạo ngành GD&ĐT nhiều địa phương đã chia sẻ về vấn đề này.
Thống kê của Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho thấy: Địa phương đang thiếu 120 GV dạy các môn văn hóa bậc tiểu học. Để giải quyết tình trạng thiếu GV trầm trọng, các trường phải thực hiện dồn lớp, nâng sĩ số. Thời điểm này vẫn còn 64 lớp tiểu học không có GV. Tình trạng thiếu GV tại thị xã Nghi Sơn xảy ra nhiều năm nay. Nhiều trường do không đủ GV, nên buộc phải dồn lớp khiến sĩ số vượt quá quy định. Thậm chí, do thiếu GV, nhiều trường phải phân công cả phó hiệu trưởng, hiệu trưởng đứng lớp.
Tại Trường tiểu học Xuân Lâm, do thiếu GV, nhà trường phải bố trí hai phó hiệu trưởng đứng lớp. Nhà trường có 22 lớp, với 687 học sinh (HS). Tuy nhiên, chỉ có 24 GV trực tiếp đứng lớp, trong đó có 19 GV dạy các môn văn hóa. Nhà trường phải dồn học sinh ở khối lớp 3 và lớp 4, mỗi lớp 43 HS. Còn tại Trường tiểu học Tân Dân, cũng vì thiếu GV đứng lớp, khối lớp 2 có 148 học sinh, nhưng phải chia thành ba lớp. Vì thế, ngôi trường này có hai lớp 49 HS và một lớp 50 HS.
“Từ nay đến năm 2025, số học sinh ba cấp học ở thị xã Nghi Sơn sẽ tăng trung bình mỗi năm tương đương 100 lớp. Tuy nhiên, UBND tỉnh không giao thêm định biên. Vì vậy, vấn đề thiếu GV từ mầm non đến THCS ngày càng nan giải”, bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn chia sẻ.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại huyện Lý Nhân (Hà Nam). Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện chia sẻ, hiện GV của toàn huyện mới đạt chưa đến 1,3 GV/lớp trong khi sĩ số HS/lớp nhiều nơi vượt quy định (cao nhất 35 HS/lớp). Năm học này ưu tiên đủ 1,5 GV/lớp cho lớp 1, nhưng theo bà Thu, nỗi lo thiếu GV cho các năm tới đang hiện hữu trong khi số lượng và nguồn tuyển đều hạn hẹp. Đơn cử, tại Trường tiểu học Nhân Thịnh (huyện Lý Nhân), cả trường mới đạt được tỷ lệ 1,27 GV/lớp (kể cả cán bộ tổng phụ trách Đội) nhưng lớp 1 được bố trí đủ tỷ lệ 1,5 GV/lớp, còn lại phải dồn bốn lớp để bảo đảm tiếp tục duy trì học hai buổi/ngày…
Ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT TP Phủ Lý (Hà Nam) cũng cho biết, so nhu cầu thì thành phố còn thiếu hơn 200 GV nhưng vẫn cố gắng “co kéo” để bảo đảm tất cả HS lớp 1 được học hai buổi/ngày. Mặc dù vậy, ông Thắng cho rằng nếu không có định biên để tuyển dụng GV thì những năm sau sẽ rất khó khăn.
Phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học, thư viện hiện vẫn còn thiếu. Ảnh: NGUYỆT ANH
Khó đáp ứng yêu cầu mới
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam cho rằng, thiếu GV là vấn đề khó khăn nhất trong đổi mới giáo dục hiện nay. Theo ông Tuấn, khó tuyển đủ số được giao vì thiếu nguồn tuyển do chuẩn mới. Theo Luật Giáo dục, GV mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, GV tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. GV tiếng Anh tiểu học và THCS cần có trình độ tiếng Anh bậc 4 (tương đương bằng B2 đối với khung ngoại ngữ châu Âu) theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dành cho Việt Nam. Nhiều sở GD&ĐT cho biết hiện rất khó khăn khi đội ngũ GV một số trường không đồng bộ về cơ cấu, một bộ phận GV năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, SGK mới.
Theo Bộ GD&ĐT, nguyên nhân tình trạng thiếu hụt GV tại nhiều địa phương do tăng dân số và phát triển nhanh các khu công nghiệp. Mặt khác, việc dự báo, tính toán nhu cầu chưa sát, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ở nhiều địa phương đang xử lý chưa đúng giữa nhu cầu tăng GV để bảo đảm định mức và chủ trương tinh giản biên chế. Bởi có những địa phương khi thực hiện mục tiêu tinh giản 10% biên chế đã thực hiện một cách máy móc, cơ học, tập trung cắt giảm GV mà không tính toán đến yếu tố đặc điểm vùng miền, cơ cấu môn học, tiết học, cấp học và nhu cầu định mức GV theo quy định.
Không chỉ thiếu GV, hiện cơ sở vật chất còn thiếu hụt trên cả nước để đáp ứng chương trình phổ thông mới. Cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó có 15.050 trường tiểu học, 10.697 trường THCS, 2.430 trường THPT. Song những điều kiện về phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học, thư viện hiện chưa đáp ứng được nhu cầu.
Các cơ sở giáo dục (đặc biệt ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời và phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài. Cả nước có 419.903 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 323.551 phòng, đạt tỷ lệ 77,1%. Số lượng thiết bị phòng học bộ môn mới chỉ đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu giảng dạy...
Về thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, trung bình tại cấp tiểu học 2,1 trường có một phòng máy, tại cấp THCS 1,3 trường có một phòng máy và cấp THPT mỗi trường có 1,9 phòng máy. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu giảng dạy tối thiểu, tại cấp tiểu học và THCS, mỗi trường cần ít nhất một phòng máy và đối với cấp THPT, mỗi trường cần ít nhất hai phòng máy…
Đào tạo sư phạm sẽ theo “đặt hàng”
Để chuẩn bị các điều kiện áp dụng chương trình, SGK mới, mới đây, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo kết quả rà soát thực trạng điều kiện về đội ngũ GV hiện nay và dự báo nhu cầu cho chương trình mới. Theo đó, căn cứ lộ trình triển khai, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024, mỗi năm học sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 2.000 giáo viên tiếng Anh và khoảng 2.000 giáo viên Tin học.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt GV, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu giải quyết theo thẩm quyền và tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế đối với những địa phương còn thiếu GV; không tinh giản biên chế giáo viên mầm non trong ba năm từ 2019 - 2021. Với những địa phương chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức, trước mắt cho phép thực hiện hợp đồng lao động trong một số trường hợp cụ thể.
Dù vậy, việc các bộ, ngành đưa ra giải pháp chung để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên là chưa đủ. Điều quan trọng là việc triển khai, thực hiện ở các địa phương phải bảo đảm nghiêm túc, phù hợp thực tiễn. Trong đó, cần tránh tình trạng khi có chủ trương thì tuyển dụng, hợp đồng ồ ạt không đúng chuyên môn; trường học thiếu giáo viên môn này lại được phân bổ giáo viên môn khác về giảng dạy dẫn đến vừa thừa vừa thiếu, không bảo đảm chất lượng.
Trong hai năm 2019 và 2020, chỉ tiêu đào tạo tăng trở lại mặc dù việc thừa GV, sinh viên sư phạm một số nơi thất nghiệp vẫn tồn tại. Về điều này, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, tổng chỉ tiêu đào tạo sư phạm tăng theo dự báo nhu cầu GV của các địa phương. Với số chỉ tiêu này cũng mới chỉ đáp ứng hơn 60% nhu cầu sử dụng theo đề xuất.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo vụ này, để tránh tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp, thừa thiếu cục bộ, Bộ GD&ĐT đã kết hợp với địa phương khảo sát nhu cầu, số lượng giáo viên của từng cấp học, môn học. Từ đó thực hiện phân bổ chỉ tiêu đào tạo GV cho các trường sư phạm trên cơ sở kết hợp các tiêu chí: đề xuất của địa phương, năng lực của các trường cũng như phạm vi tuyển sinh.
Việc tăng cường đào tạo sư phạm theo “đặt hàng” của địa phương, theo yêu cầu của việc triển khai chương trình mới nhằm giải quyết phần thiếu hụt được Bộ GD&ĐT lưu ý đối với các trường sư phạm. Làm tốt việc này cũng giảm được tỷ lệ sinh viên sư phạm ra trường bị thất nghiệp, đồng thời có nguồn bù đắp số giáo viên còn thiếu.